4 chức năng gan trong cơ thể - Cường Can Vương - Thực phẩm bảo vệ sức khỏe

4 chức năng gan trong cơ thể

Gan không những đảm nhiệm chức năng chuyển hóa, còn là nơi dự trữ các thành phần quan trọng, tạo mật và chống độc cho cơ thể.

Chức năng chuyển hóa

Chuyển hóa glucid: gan chuyển hóa các đường đơn, đường đôi về hết dạng glucose.

Chuyển hóa lipid: gan tổng hợp acid béo và cholesterol, phospholipid từ các nguyên liệu trong thức ăn, sau đó vận chuyển tới các mô, cơ quan khác nhau trong cơ thể. Ở bệnh nhân suy gan, mỡ trong thức ăn không được chuyển hóa sẽ tích lại ở gan, mỡ ở các cơ quan giảm nhanh nên bệnh nhân sẽ gầy yếu nhanh chóng.

Chuyển hóa protid: Chuyển hóa protid ở gan xảy ra rất mạnh mẽ bao gồm 2 quá trình: chuyển hóa acid amin và tổng hợp protein như albumin hay các yếu tố đông máu. Vì vậy, khi suy gan, dịch từ mạch máu thoát vào tổ chức nhiều gây ra phù và quá trình đông máu bị rối loạn, bệnh nhân rất dễ bị xuất huyết.

Chức năng dự trữ

Gan dự trữ cho cơ thể nhiều chất quan trọng như máu, glucid, sắt và một số vitamin như A, D, B12 trong đó quan trọng là vitamin B12. Có thể thấy rất nhiều nguyên liệu tạo máu, sinh hồng cầu đều nằm tại gan, chính vì vậy ta sẽ bắt gặp các vấn đề về máu phát sinh ở bệnh nhân có tổn thương gan như:

– Thiếu máu: do thiếu protein, thiếu sát, thiếu vitamin B12

– Chảy máu: do thiếu các yếu tố đông máu

Chức năng tạo mật

Mật là dịch màu vàng hơi xanh, vị đắng, được tiết ra ở gan khoảng 0,5 lít/ngày và cô đặc ở túi mật. Khi có thức ăn vào ruột non kích thích túi mật co bóp, mật được đẩy ra ngoài, trộn lẫn với dịch tụy và đổ vào tá tràng. Thành phần dịch mật bao gồm: nước (97%), muối mật, sắc tố mật (bilirubin), cholesterol và các hợp chất khác…có tác dụng giúp tiêu hóa và hấp thu mỡ cũng như các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K).

Khi gan tổn thương, chức năng tạo mật cũng bị rối loạn, thể hiện ra bên ngoài thông qua các triệu chứng: vàng da, vàng mắt, rối loạn tiêu hóa, sợ mỡ, sỏi mật (sỏi cholesterol).

Chức năng chống độc

Gan được xem là một hàng rào bảo vệ cơ thể để chống lại các yếu tố độc hại xâm nhập qua đường tiêu hóa. Đồng thời, nó làm giảm độc tính và thải trừ một số chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Để đảm nhiệm vai trò “sống còn” này, gan huy động rất nhiều yếu tố khử độc khác nhau:

  • Đại thực bào: dọn xác hồng cầu, vi khuẩn trong thức ăn
  • Tế bào gan: chống độc bằng 2 cơ chế:

– Giữ lại một số kim loại nặng như đồng, chì, thủy ngân… sau đó sẽ thải ra ngoài.

– Trong tế bào gan có hệ men chuyển hóa rất hữu hiệu biến chất độc (ví dụ: rượu, aldehyd, amoniac NH3) thành chất không độc hoặc ít độc hơn rồi thải ra ngoài qua đường mật hoặc đường thận.

Như vậy, gan đóng một vai trò vô cùng quan trọng, liên quan mật thiết đến hoạt động của các bộ phận, cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là não bởi não rất dễ tổn thương khi cơ thể nhiễm độc. Việc bảo vệ và duy trì chức năng gan bình thường là điều cần thiết, nhất là ở những người hay phải tiếp xúc với bia, rượu, chất độc hại. Kiểm tra định kỳ chức năng gan và sử dụng các thuốc hỗ trợ bảo vệ gan sẽ góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo một sức khỏe tốt cho bản thân mỗi người.